Đỗ Xuân Thạnh_Skyskysky :

Thứ Bảy, 14 tháng 11, 2015

Dòng họ Nguyễn Cao Kỳ: Những người 'bên kia bờ đoàn tụ'



Ông Nguyễn Cao Kỳ
Dòng họ Nguyễn Cao Kỳ: Những người 'bên kia bờ đoàn tụ'

Nhiều bất ngờ về quan hệ của ông Nguyễn Cao Kỳ với những người thân trong họ tộc mới được người trong gia đình tiết lộ, sau nhiều năm ly tán, buồn tủi.

Chúng tôi ghé tới căn nhà số 51 Ngô Quyền, phường Ngô Quyền, thị xã Sơn Tây vào một ngày Hà Nội ở giữa thu. Bà Nguyễn Thị Tâm, sinh năm 1960, cháu gọi ông Nguyễn Cao Kỳ bằng chú, người sinh sống trong căn nhà này từ tấm bé rót nước vối mời khách.

Căn nhà giản dị những đồ vật cũ, song được sắp xếp rất ngăn nắp. Một tấm ảnh Bác Hồ được treo trang trọng ở vị trí cao nhất trong căn nhà. “Đó là một kỷ vật của bác ruột tôi trước khi mất, ông Nguyễn Ngọc Phan”, bà Tâm đượm buồn nhìn xa xăm.

Ông Nguyễn Ngọc Phan là con trai của ông Nguyễn Văn Hoạch (cháu nội cụ Nguyễn Cao Côn). Như vậy, về mặt vai vế trong dòng họ, ông Nguyễn Cao Kỳ phải gọi ông Nguyễn Ngọc Phan bằng anh.

“Bác tôi là lính biệt động Sài Gòn”

Bác tôi theo đội quân Nam tiến vào Sài Gòn năm 1939, tham gia kháng chiến chống Pháp. Trong kháng chiến chống Mỹ, ông là lính biệt động Sài Gòn. Có thời gian ông bị địch bắt giam ở nhà tù Côn Đảo, bị tra tấn dã man lắm, ông bị mù mất một bên mắt. Năm 1997, lần đầu tiên ông trở lại Sơn Tây thăm lại quê cha đất tổ, và cũng là lần cuối cùng ông về lại mảnh đất này. Tôi còn nhớ đó là một buổi chiều mùa hè, bố tôi đang cởi trần chẻ củi ngay trước sân thì ông Phan bước vào. Bố tôi reo lên: “A, anh Phan về”, thế rồi hai người đàn ông ôm nhau, ngay dưới gốc cây hồng xiêm này này, họ hát luôn cả bài “Đoàn vệ Quốc quân một lần ra đi”. Các con tôi còn nhỏ, cứ đứng tròn xoe mắt nhìn”, bà Tâm xúc động.


Bà Nguyễn Thị Tâm, cháu gọi ông Nguyễn Cao Kỳ bằng chú - Ảnh: Lê Nam

Theo bà Tâm, lần trở về quê hương quý giá này, ông Nguyễn Ngọc Phan mang về 2 món quà làm kỷ niệm cho gia đình mình, đó là một tấm ảnh Bác Hồ, một chiếc đồng hồ treo tường trên đó có khắc chữ “Ban liên lạc cựu tù chính trị yêu nước quận 1, TP.HCM tặng”.

Ông Phan bảo, tấm ảnh Bác Hồ ông được một tướng tên Trung Kiên tặng ngay trong nhà tù Côn Đảo. Đến hôm nay, chúng tôi vẫn gìn giữ cả chiếc đồng hồ và tấm ảnh, như những kỷ vật quý giá”, bà Tâm bồi hồi.

Chúng tôi chẳng thể quên được những buổi ông Phan thức thâu đêm nói chuyện với bố tôi về kỷ niệm thời đi kháng chiến. Tôi còn nhớ rất rõ chi tiết, ông bảo cứu được rất nhiều bộ đội của mình bị thương hồi chiến dịch Mậu Thân 1968 nhờ lấy được nhiều kháng sinh của Mỹ”, bà Tâm kể tiếp. “Quay đi quay lại đã 18 năm trôi qua. Bố tôi mất trong đêm Noel của năm 1997 đó, còn ông Phan mất sau đó 10 năm, tôi vào chăm ông được nửa tháng”, người phụ nữ mắt hoe đỏ.

“Một thời gian khó đã đi qua”

Ông Phan Văn Bình, sinh năm 1954, chồng bà Tâm dẫn chúng tôi đi một vòng quanh căn nhà số 51 Ngô Quyền, xem bể nước có mái vòm, thăm cả gian bếp cổ xưa, sân gạch rêu phong, nơi mà hơn 80 năm về trước ông Nguyễn Cao Kỳ từng trải qua ngày tuổi nhỏ.


Khoảnh sân trước nhà bà Tâm - Ảnh: Lê Nam

Ông Bình chỉ cả cho chúng tôi vị trí của 3 chiếc hầm trú ấn trong vườn nhà, được làm từ thời gian năm 1972, thời gian Mỹ ném bom đánh phá miền Bắc. Mỗi chiếc hầm dạng hình trụ, đào sâu xuống lòng đất khoảng 2 mét.

Mỗi khi có kẻng báo động, lớn bé già trẻ chui tất xuống những chiếc hầm này”, ông Bình kể.

Có một điều khá đặc biệt là thời gian năm 1972, Mỹ thả bom ào ạt xuống nhiều nơi ở Hà Nội, nhưng nhìn khu vực này đều không bị ảnh hưởng đáng kể”, bà Tâm, vợ ông Bình tiếp lời. Ông Bình cho biết, năm 1972, bản thân ông nhập ngũ vào đơn vị du kích tập trung thị xã Sơn Tây, đảm nhiệm vai trò trông giữ nơi giặc Mỹ nhảy dù.

Tôi còn nhớ rất rõ năm 1972, thị xã Sơn Tây bị ném bom 4 quả bom: 1 quả nhà hát nhân dân thị xã, quả ở đường phố Đệ Nhị, quả ở hồ nước thành cổ, quả cuối cùng ở cửa hữu thành cổ Sơn Tây, đều nơi vắng người cả”, ông Bình hồi tưởng.

Đứng cạnh chồng, bà Tâm chia sẻ rất thật lòng, bản thân bà và mọi người trong gia đình hồi năm 1972 có nhặt được những tờ truyền đơn từ máy bay Mỹ thả xuống quanh nhà, đại ý rằng ông Nguyễn Cao Kỳ đã lên làm Phó tổng thống. “Thời gian đó tôi nhặt một tờ giấy lên xem mà cũng hốt hoảng, nhìn trước ngó sau. Cha mẹ tôi thì nhìn nhau thở dài, tôi cũng không rõ cha mẹ tôi nghĩ gì những ngày đó”, bà Tâm lắc đầu.


Ông Phan Văn Bình mở tiệm rửa xe máy trước nhà - Ảnh: Thúy Hằng

Trong ký ức của người phụ nữ năm nay đã 56 tuổi vẫn không quên những kỷ niệm buồn vui thời còn bom đạn và những ngày mới hòa bình lập lại. “Bạn bè tôi bây giờ gặp nhau vẫn nhắc đến chuyện xưa, là ngày đi học không chơi chung với tôi, hay lấy phấn chia bàn thành các ô, vì tôi là cháu của ông Nguyễn Cao Kỳ”, bà Tâm khẽ cười.

Tính tôi vẫn hay thương người, ngày xưa đi thi cô giáo mầm non, tôi cho bạn xem bài, thế là giám thị hủy bài của tôi và đánh trượt. Trong khi bạn chép bài thì đỗ. Chẳng biết có phải gây khó dễ gì không, một thời gian khó đã đi qua, chuyện cũ hơn ba chục năm rồi”, bà Tâm nhìn ra khoảnh sân trước mặt. Con gái bà, chị Phan Thị Ngọc Giang đang chăm chút lại giàn trầu không. 25 tuổi, Giang vừa thi xong công chức ngành thư viện, chị muốn làm việc ở ngay Sơn Tây để gần cha mẹ.

“Quá khứ qua rồi, hờn ghét mà làm gì”

Nhiều người hỏi chúng tôi, bây giờ có còn hờn trách, căm ghét gì ông Nguyễn Cao Kỳ không. Tôi nghĩ thế này, quá khứ qua rồi, hờn ghét mà làm gì. Chỉ có một điều tôi giận ông ấy, năm 2004, ông về thăm Sơn Tây mà không về thắp hương cho ông bà nội trong căn nhà 51 Ngô Quyền này”, bà Tâm chậm rãi.

Người đàn bà đã đi qua nửa cuộc đời nhìn lên bàn thờ tổ tiên và kể lại một kỷ niệm bà vẫn không quên: “Đó là một ngày mùa đông, ông Kỳ về Sơn Tây. Hàng chục nhà báo nước Nhật Bản, Thụy Điển, rồi báo Quân đội nhân dân của mình ngồi chật kín trong nhà tôi chờ ông Kỳ vào thắp hương để họ chụp ảnh. Họ chờ từ sáng tới chiều, nhà tôi nghèo, chỉ biết cắt bánh chưng mời họ ăn. Nhưng ông Kỳ không vào nhà, ông chỉ ra chùa Mía thắp hương rồi đứng ngoài đường, nhìn vào căn nhà này”.

"Ngay cả cô Nguyễn Cao Kỳ Duyên, con gái thứ 2 của ông Nguyễn Cao Kỳ và bà Đặng Tuyết Mai chưa bao giờ đặt chân tới căn nhà này để thắp hương cho tổ tiên, chúng tôi cũng chạnh lòng buồn", bà Tâm thở dài.


Di ảnh của ông bà nội ông Nguyễn Cao Kỳ trong căn nhà số 51 Ngô Quyền - Ảnh: Lê Nam

Ngày ông Nguyễn Cao Kỳ qua đời, bà có biết không?”, chúng tôi hỏi bà Tâm. Người phụ nữ gật đầu, “Có chứ”.

Tôi còn bảo con gái là bấm điện thoại giúp mẹ, xem làm cách nào để gửi lời chia buồn cho nhà ông Kỳ, song, ngẫm ra không biết gọi tới đâu. Giả sử ông ấy mất ở Sài Gòn, chúng tôi vẫn cố gắng gửi điện hoa, thiệp chia buồn, nhưng thật sự, ông ấy mất ở nước ngoài, mình không biết cách nào để thăm hỏi”, người phụ nữ buồn bã.

Nỗi niềm canh cánh trong lòng người cháu gọi ông Nguyễn Cao Kỳ bằng chú ruột là nối lại sợi dây liên lạc giữa những người thân thích trong dòng họ còn ở Việt Nam.

Theo bà Tâm, người con thứ 4 của cụ Nguyễn Cao Côn là ông Tư Đễ có một người con trai cũng tên là Nguyễn Cao Kỳ, bí danh là Tùng.

Chú Tùng trước còn minh mẫn hay viết thư cho gia đình chúng tôi, lá thư nào cũng ghi ngoài phong bì đầy đủ là Nguyễn Cao Kỳ, tức Tùng. Giờ thư từ đã lưu lạc đâu mất cả. Nghe đâu rằng chú đang ở khu Hoà Hưng, TP.HCM, chú mới bị tai nạn xe đạp mà chúng tôi chưa có dịp vào thăm”, bà Tâm xúc động.

Theo gia đình bà Tâm, hiện tại bà cũng chưa được biết bát hương, di ảnh của vợ chồng ông giáo Hiếu (Nguyễn Cao Hiếu, bố của ông Nguyễn Cao Kỳ) được thờ ở đâu tại Việt Nam. Song, theo phán đoán của gia đình bà, hài cốt của cụ Nguyễn Cao Hiếu mới được chuyển từ Tuyên Quang về TP.HCM.

Chúng tôi ngày ngày lo mưu sinh, cuộc sống vất vả, giá có một điều kiện tốt hơn, chúng tôi hẳn sẽ tìm lại được những người thân đang lưu lạc chốn này, phương khác”, ông Bình thở dài, vuốt giọt mồ hôi khi tiếp tục việc rửa xe thường nhật. 11 giờ trưa tháng 10, và đây là chiếc xe đầu tiên ghé tiệm trong ngày…

Thúy Hằng


Tuổi thơ của ông Nguyễn Cao Kỳ ở Sơn Tây

Những câu chuyện về tuổi thơ và gia đình Nguyễn Cao Kỳ vừa được một người cháu ông Kỳ tiết lộ.


Ông Nguyễn Cao Kỳ (thứ 2 từ trái sang) trong một lần về thăm Việt Nam được nguyên Chủ tịch Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Phạm Thế Duyệt đón tiếp - Ảnh tư liệu

Phóng viên Thanh Niên Online đã về thị xã Sơn Tây (Hà Nội) và gặp gia đình bà Nguyễn Thị Tâm (55 tuổi), cháu gọi ông Nguyễn Cao Kỳ bằng chú, người thân thiết có thể là gọi là duy nhất trong gia đình ông Kỳ còn ở Sơn Tây, để nghe kể lại những câu chuyện về nơi ông Nguyễn Cao Kỳ đã lớn lên.

“Ông Nguyễn Cao Kỳ ngày nhỏ nghịch ghê lắm”

Giữa phố Ngô Quyền, thị xã Sơn Tây khang trang, sầm uất, lọt thỏm một căn nhà số 51 cũ kỹ.

Căn nhà cấp 4, rộng chừng 13 mét vuông, một bàn thờ đặt chính giữa, đồ đạc khá nhiều, mọi thứ được phủ lớp bụi mờ, dù gia chủ đã cố gắng xếp đặt ngăn nắp trên nền gạch cổ.

Ông Kỳ không sinh ra ở đây nhưng từ nhỏ đã sống ngôi nhà này. Bố mẹ tôi kể lại, hồi nhỏ ông Kỳ nghịch ngợm ghê lắm, những trò đùa nghịch của ông Kỳ không giống ai, thế nên ông Kỳ được đưa sang đây, nhà bác ruột của ông Kỳ, để ông chơi với các anh chị cho đỡ nghịch”, bà Nguyễn Thị Tâm vừa rót nước lá vối mời khách, vừa thủng thẳng kể.

Chỉ lên bàn thờ tổ tiên, ở vị trí trên cùng là bức ảnh một cụ ông đội mũ cánh chuồn, một cụ bà vấn tóc, bà Tâm cho biết: “Đó là ông bà nội của ông Nguyễn Cao Kỳ. Mọi người trong làng còn gọi là cụ Thương ông, cụ Thương bà. Cụ Thương bà tên là Phạm Thị Tá. Hai cụ này đẻ ra ông nội tôi, bố của ông Nguyễn Cao Kỳ, và út là ông Tư Đễ”, bà Tâm nói.

Vậy cha mẹ ông Nguyễn Cao Kỳ sinh ông ấy ở đâu?”, chúng tôi hỏi bà Nguyễn Thị Tâm. Đáp lại là một cái lắc đầu và cái nhìn xa xăm ra giàn trầu không xanh mướt trước mặt: “Tôi không nhớ nữa, chỉ biết cha mẹ ông Nguyễn Cao Kỳ cũng ở một ngôi nhà ở Sơn Tây”.


Bức ảnh thờ cụ ông Nguyễn Cao Côn (bên phải) và cụ bà Phạm Thị Tá, là ông bà nội của ông Nguyễn Cao Kỳ, tại ngôi nhà số 51 Ngô Quyền, thị xã Sơn Tây - Ảnh: Lê Nam

Ông Kỳ ở đây từ nhỏ cho đến khi lớn thì vào nội thành Hà Nội học, rồi vào Sài Gòn, đó là những gì chúng tôi còn nhớ từ lời cha mẹ”, bà Tâm tiếp lời.

Theo lời bà Tâm, căn nhà nơi chúng tôi đang đứng chỉ là một phần của ngôi nhà đồ sộ trước đây mà ông Nguyễn Cao Kỳ từng ở hồi thơ bé. Gian nhà này nằm tổng thể trong một khu nhà rất lớn trải dài từ mặt phố Ngô Quyền, kéo sâu vào bên trong chừng 30 m, gồm nhà chính, nhà bếp, nhà cho người giúp việc, các công trình vệ sinh. Trải qua biến cố thời gian, một phần trong ngôi nhà được cắt ra, cho một người khác ở.

Những năm chống Pháp, vì mục đích tiêu thổ kháng chiến, gian nhà ở và thờ gia tiên ở chính giữa bị đập bỏ toàn bộ phần mái, tường. Gia đình bà Tâm ở trong khu nhà bếp phía sau.

Tới năm 1994, bà Tâm có kinh phí phục dựng nền ngôi nhà cũ để làm nơi thờ tổ tiên, trong đó có thờ phụng ông bà nội của ông Nguyễn Cao Kỳ. Nơi đây vẫn giữ được nền móng và những viên gạch cổ từ ngày ông Nguyễn Cao Kỳ còn tấm bé.

Hiện tại, ở khu bếp của căn nhà số 51 Ngô Quyền vẫn còn nguyên kiến trúc ngôi nhà cổ từ thời ông Nguyễn Cao Kỳ sống hồi nhỏ. Đó là mái nhà bếp thấp lúp xúp, bể nước mái vòm, sân gạch rêu phong, cây hồng xiêm cổ thụ, những cánh cửa gỗ tuổi đời hơn trăm năm.

“Chưa từng thấy ông Nguyễn Cao Kỳ vào thăm căn nhà này”

Điều khá bất ngờ là, theo tiết lộ của bà Nguyễn Thị Tâm, bà sinh ra và lớn lên ở căn nhà này từ năm 1960, nhưng trong suốt những năm tháng qua, chưa một lần nào thấy ông Nguyễn Cao Kỳ và con cháu ông về thăm lại căn nhà, là nơi thờ phụng ông bà tổ tiên trong dòng họ.

Tôi nhớ duy nhất một lần, khoảng những năm 2000 gì đó, ông Kỳ về thăm Sơn Tây. Ông ấy đi xe ô tô qua đường lớn La Thành để vào thắp hương trong chùa Mía, trong làng cổ Đường Lâm, lúc về đi theo đường Ngô Quyền. Ông Kỳ đứng trước căn nhà số 51 này một lúc, lặng nhìn vào bên trong căn nhà nhưng không vào. Hai bên đường Ngô Quyền rất đông người dân hiếu kỳ và công an đứng dõi theo ông”, bà Tâm kể lại.

Cũng theo bà Tâm, sau đó vài năm, có một người phụ nữ người nước ngoài, mắt xanh, da trắng tới ngôi nhà số 51 này nhưng không vào, chỉ đứng ngoài cửa, lúc đó khoảng 19 giờ. “Người phiên dịch nói bà ấy muốn đón anh Đăng, là bố đẻ tôi về nuôi báo hiếu cho cha mẹ, nhưng lúc đó bố tôi chết rồi. Tôi cũng không rõ đó là ai, ngờ ngợ đó là bà vợ sau cùng của ông Nguyễn Cao Kỳ”, bà Tâm kể.


Bàn thờ tổ tiên trong căn nhà số 51 Ngô Quyền, nơi đây thờ phụng ông bà nội của ông Nguyễn Cao Kỳ - Ảnh: Lê Nam











Khu nhà bếp của nhà 51 Ngô Quyền, nơi đây vẫn giữ gần như nguyên vẹn kiến trúc từ những năm ông Nguyễn Cao Kỳ còn sống ở Sơn Tây - Ảnh: Lê Nam

Còn con gái ông Nguyễn Cao Kỳ với bà vợ thứ 2, chị Nguyễn Cao Kỳ Duyên có bao giờ ghé thăm gia đình mình không?”, chúng tôi hỏi bà Tâm. “Không hề”, người phụ nữ đáp lại.

Rồi người phụ nữ chia sẻ thật lòng, bà chưa từng gặp Nguyễn Cao Kỳ Duyên (người gọi mình bằng chị theo vai vế trong họ hàng) một lần nào ngoài đời, dù biết tin bây giờ cô đã là một MC nổi tiếng, rất thành công ở hải ngoại.

"Cô Duyên từng gọi Chiến, con trai tôi tới nơi cô tổ chức sự kiện tại Hà Nội, Chiến ra đến nơi thì bảo vệ không cho cháu vào gặp cô vì không tin một cậu sinh viên làng nhàng lại là cháu của MC nổi tiếng. Vé vào cửa sự kiện ấy nghe chừng vài triệu một chiếc. Chiến có gọi điện thoại cho cô, nhưng chắc bận quá, cô không ra đón cháu được, thế là Chiến lại lủi thủi ra về”, bà Tâm thở dài.

Bà Nguyễn Thị Tâm, 56 tuổi, không biết đi xe đạp, không thể tự bấm số điện thoại vì mắt kém, chân tay ngày càng yếu đi do bị tai nạn, ngày ngày phải mưu sinh bằng gánh rau, vại dưa cà. Ít ai có thể ngờ rằng, người gọi ông Nguyễn Cao Kỳ bằng chú đang có một cuộc sống khốn khó trong chính mái nhà mà từ đây, gần 80 năm trước, ông Nguyễn Cao Kỳ đã ra đi…


Theo tư liệu lịch sử có ghi lại, ông nội ông Nguyễn Cao Kỳ tên là ông Nguyễn Cao Côn, làm tới chức thương tá (thương biện, hay thương tá tỉnh vụ) tỉnh Sơn Tây. Bố ông Nguyễn Cao Kỳ là Nguyễn Cao Hiếu, làm nghề thầy giáo, sinh được 4 người con, trong đó ông Nguyễn Cao Kỳ là con trai duy nhất.

Trong cuốn hồi ký của mình mang tên Đứa con cầu tự (tên nguyên bản tiếng Anh là “Buddha’s child: My fight to save Vietnam” do Nhà xuất bản St.Martin’s Press phát hành năm 2002), ông Nguyễn Cao Kỳ viết: “As the only boy among four sisters, I was treated like a little prince and allowed to do whatever I pleased. My three older sisters tell me that when I was a toddler, the only thing that would make me stop crying and smile was to let me smash a dish or a glass against the floor” (Tạm dịch: Là cậu bé duy nhất trong 4 chị em, tôi được cưng chiều như một hoàng tử và được phép làm bất cứ thứ gì mình muốn. Ba người chị của tôi từng kể với tôi rằng, khi tôi chập chững biết đi, điều duy nhất khiến tôi ngừng khóc và nở nụ cười là để tôi ném vỡ chiếc đĩa xuống sàn nhà).

Như vậy, chiểu theo những thông tin được cung cấp bởi gia đình bà Nguyễn Thị Tâm, có thể thấy khá trùng khớp.

Thúy Hằng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Những người bạn

 
Support : Creating Website | SkyskyskyTemplate | DoThanh Template
Proudly powered by Blogger
Copyright © 2011. Những người bạn của Sky+ - All Rights Reserved
Template Design by Creating Website Published by SkyDoThanh Template